• Ai mà chẳng có ngày tận thế !

    Mất giày


    Minh họa _Nguyễn Đức Trí

    Mất giày

    Số là Sửu, sẵn dịp tết nhứt, sẵn rượu thịt và không khí ba ngày xuân, năm nào cũng đúng mùng ba biến nhà mình thành điểm hẹn đón những người bạn một thời đến với nhau thù tạc chuyện cũ, chuyện mới. Cũng đã được gần chục năm, năm nào cũng đến chiều tối.
    Năm nay có thêm Bính, đã lâu mới đến. Tiệc đến gần 5 giờ chiều thì tan. Một tốp bạn khác của chủ nhà lại đổ bộ đến chúc tết. Nhóm bạn cũ ra về gần hết. Bính ra cổng, bỗng nhiên hô to lên: “Mất giày, tao mất đôi giày da mềm kiểu Ý rồi”. Mà giày của Bính mất thật. Có lẽ một người bạn tốp trước của Sửu trong lúc nửa tỉnh nửa say đã mang nhầm giày của Bính đi về. Mặc dù gia chủ hết mực cam kết sẽ tìm và mang trả lại giày, nhưng Bính vẫn nhất quyết không chịu mang dép của chủ nhà, đòi cho được một đôi giày khác mang về.
    “Tao đến có giày, tao về phải có giày”. Và Bính chọn lấy trong sân một đôi giày bóng loáng, vừa chân, rồi đi. Đôi giày đó vốn là của anh Ất, một người bạn khác của Sửu, đang ngồi ăn tiệc bên trong. May là anh Ất sau đó vui vẻ mang dép mà về. Bằng không, nếu anh ấy lại lấy một đôi giày khác của anh Đinh, anh Mậu, anh Kỷ... nào đó thì suốt những ngày còn lại, Sửu chỉ có một việc phải làm là chạy tìm và trả giày cho giáp một vòng những người anh em, vốn hằng ngày vẫn thường xưng với nhau là bạn.
    Chuyện này làm nhớ lại một chuyện gần gần thế trong Cổ học tinh hoa. Chuyện một người nước Tống mất cái áo thâm. Anh ta chạy ra chợ, thấy một người đàn bà đang mặc áo thâm bèn níu lại mà đòi rằng: “Tôi vừa mất áo thâm, chị phải đền trả tôi cái này!”. Rồi giữ chặt cái áo không buông ra nữa... Các cụ Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, Từ An Trần Lê Nhân mới góp lời bàn thế này: mất áo trong nhà mà ra đường tìm, mất áo đàn ông mà đòi áo đàn bà, mất áo dày mà bắt đền áo mỏng, thật là chuyện đáng bật cười (và các cụ bật cười đến ba lần).
    Nhưng có lẽ hay nhất là lời than: “Ôi cái lợi làm lòng người mê muội, chỉ biết có mình không biết có ai, chỉ vụ lợi cho mình mà quên cả phải trái. Kẻ nào đã vụ lợi như thế thì cái gì mà chẳng dám làm, cái gì mà chẳng dám nói! Than ôi! Cái đời kim tiền bây giờ biết bao nhiêu phường đòi áo như người nói trong truyện này” (quyển 1, trang 14, NXB TP.HCM, 1988). Thật là chí lý, như một lời tiên tri...
    Lại nghĩ áo giày đã thế, vàng bạc sẽ đến mức nào? Trong Liệt Tử có chuyện “Mê vàng”. Chuyện kể xưa có người nước Tề rất mê vàng. Một sáng, anh xiêm y ra chợ, đến hàng của người đổi tiền, chộp lấy một khối vàng rồi bỏ đi. Người ta bắt anh lại, hỏi vì sao giữa đám đông anh lại dám đoạt vàng của người khác? Anh đáp vì khi thấy vàng, mắt tôi chỉ còn thấy vàng, đâu còn thấy thiên hạ xung quanh được nữa!
    Cụ Thu Giang Nguyễn Duy Cần mới bảo rằng: “Anh chàng nước Tề này thật là chí ngu, nhưng lời nói của anh thật là chí thành. Con người mà mục đích của đời mình là tiền bạc thì còn nói đến nhân phẩm gì với họ được nữa” (Cái cười của thánh nhân, trang 245, NXB Trẻ, 2012).
    Nhưng anh chàng người nước Tấn, một kẻ ra chợ gặp cái gì của ai cũng lấy, lại có lý lẽ khác. Khi bị mọi người đánh mắng vì cái tội lấy của người khác, anh mắng lại như sau: “Thế gian còn nhiều kẻ hiếu lợi hơn ta, thường dụng thiên phương bách kế ngấm ngầm lấy của người. Ta đây tuy thế, song lấy giữa ban ngày so với những kẻ ấy thì lại chẳng hơn ư? Các ngươi cười ta là các ngươi chưa nghĩ kỹ!” (Cổ học tinh hoa, đã dẫn).
    Nghĩ kỹ đến đây, từ đấy mọi người thấy Sửu không còn buồn trách gì về chuyện mất giày nữa. Chỉ có vợ Sửu, thỉnh thoảng khi dọn sân lại nhìn xa xôi và nói với chồng: “Không biết tết này lại có anh nào đi nhầm giày nữa không?...”.
    DUYÊN TRƯỜNG

    ( Nguồn Tuoitre.vn )

    0 nhận xét:

    Đăng nhận xét

    ductri.info@gmail.com

     

    TRANH BIẾM HỌA

    Danh sách Blog của Tôi

    Tranh minh họa

    Danh sách Blog của Tôi