Sự da diết của tôi bây giờ có thêm đoạn đường chạy dọc sông Sa Giang, ngó qua những cái lò nung gạch có nóc kiểu của người Chăm Islam.
Buổi sáng, buổi chiều, khói trong lò gạch cứ là là trên sông. Đi qua khúc sông êm ru và huyền hoặc ấy là tới nhà bác Ba Hiệp, ngôi nhà sát bến xe, trong cái xóm làm nem cay sè của thị xã Sa Đéc (cũ)...
Tôi lơn tơn trong nhà bác cũng chắc do duyên lớn. Tôi được đối xử như con cháu trong nhà, được ngồi ăn cơm cá heo, cá linh kho lạt trên cái bàn tròn gỗ cũ kỹ sát bếp, được đánh bài tứ sắc với bậc cao niên trên bộ ván gần cây mít Thái lai. Cách bài trí và mùi của ngôi nhà khiến tôi cảm giác như hồi nhỏ về nhà ngoại chơi.
Nhà ngoại cũng có một cái tủ lộng kiếng đựng gối mền phòng khi có khách khứa, hay cái viền lỗ thông gió được sơn màu sặc sỡ... Giữa nắng miền Trung mà ngôi nhà của ngoại tôi như có con sông nhỏ chảy qua. Chắc ngoại nhớ miền Tây nên mới làm nhà giống dưới đó...
Cảm giác thân thuộc làm tôi càng sâu nặng khi ở trong nhà của bác Ba Hiệp. Ngoại đã nằm dưới lớp đất mả miền Trung xanh cỏ, quê nhà miền Tây cũng lờ nhờ ân tình.
Bác sinh chín người con, rồi con đẻ ra thêm cháu. Nhưng ngôi nhà hòa thuận đến lạ lùng. Đó là ngôi nhà nhiều tiếng cười, nhiều tiếng khóc nhất mà tôi từng ghé qua trong cuộc đời mình. Từ lớn nhỏ, dâu rể, cháu chắt, hễ đang xôm xôm cười thì cười chung, mà đụng chuyện gì, nhất là chuyện tủi phận ngày xưa, là khóc, mà là khóc chung...
Kiểu của bác sống hay lắm, vừa hài hài xởi lởi kiểu người miền Tây, vừa điềm đạm sâu đau của người phụ nữ từng trải, từng khổ sở, từng trầm mình qua những đoạn đau đời, nhưng cũng rắn rỏi, đanh thép như một “nữ tướng” như cách mấy anh chị hay chọc bác.
Gương mặt tuổi già lất phất tóc bạc mà sáng trưng, không chút buồn phiền. Bác nói về cuộc đời, về nhơn nghĩa, về tiếng dữ, tiếng lành nhẹ hều, đơn giản như nhánh chuối mà cũng ngào ngạt sự đời.
Bác hay đùa rằng cái nhà này là cái nhà ăn chơi. Cũng phải, đông đông người một chút là bày ăn uống ba bốn mâm: lẩu dê, cá linh nhúng dấm, lòng heo khìa nước dừa, khô cá lóc trộn điên điển... Mà mỗi khi tôi xuống nhà đều dính ăn chơi. Thấy mấy chị trong nhà cứ xách giỏ đèo nhau ra chợ mua thực phẩm suốt.
Thầm nghĩ có hạp nhau mấy thì những bữa chợ chung cũng phải so từng đồng mất mát. Đó là đời, không phải là thói... Biết rằng những anh chị trong nhà đủ khéo để không ai thiệt ai, cũng không ai xấu bụng, chưa kể bác có đứa con út là ngôi sao truyền hình, cũng dư dả nhiều và luôn rộng rãi với các anh chị mình... nhưng làm người ai chẳng tính, dẫu là ruột trong ruột.
Một buổi chợ trưa, tôi thấy chị dâu thứ năm tới gạc - măng - rê, lấy tiền trong cái lon sữa để đi chợ, mới giật mình hiểu ra bác khéo vô cùng... Tôi nhớ bác nói chung quy gia đình, chuyện lớn nhỏ cũng ra từ vật chất đồng tiền. Bác lo, mà cũng phải, ai xài thâm một chút cũng thấy xót xót, rồi thâm hụt nhiều nhiều bắt đầu nghĩ ngợi không hay.
Lon tiền trong gạc - măng - rê như hóa giải những lợn cợn trong lòng mấy chị khi nhà có cơm nước ăn nhậu. Các chị trong nhà đi chợ thì lôi lon ra lấy vài tờ mà đi, đi dư về bỏ lại, để dành cho buổi chợ sau. Mắm lóc, cá linh, bông súng, cải trời, tập tàng cứ mua cho đầy đặn để mọi người no nê. Không ai nặng óc kiểu bữa nay mình chi nên phải tiện từng ngàn lẻ, kiểu sao bà Hai, bà Sáu không thấy chi gì hết...
Lon tiền là cái lon sữa cũ, đã đóng sét nâu đậm lét vì chắc cũng lâu rồi. Bác bỏ vào độ vài ba trăm, một triệu, cũng là tiền của con cháu đem về cho vợ chồng già. Thỉnh thoảng bác bước ra, xem thử lon tiền còn ít hay nhiều để biết mà vô đầu giường lấy bỏ vào thêm. Cứ thế lon tiền lặng lẽ góp thêm thuận thảo trong gia đình.
Vậy mà hay, những mái nhà đông người cũng nên có một lon tiền trong gạc - măng - rê... Vì đồng tiền đi liền khúc ruột, tiền lành thì ruột cùng lành theo.
(*): từ garde-manger (tiếng Pháp), tủ đựng thức ăn.
TRẦN MINH HỢP
Nguồn tuoitre.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
ductri.info@gmail.com